(ĐM) Đi Bụi – Chương 2

Edit: Ngọc Miêu

Beta: An Nhiên

Top 99 khia ảnh meme cute được xem và download nhiều nhất

Chương 2

Thấy người đàn ông xoay người rời đi, Diệp Dạng nhẹ nhàng thở hắt ra, cụ ông mập mạp cũng bắt chuyện với cậu: “Này con, buổi tối ở chỗ này một mình làm gì, sao không về nhà?”

Diệp Dạng nói dối: “Con không phải người địa phương… Đến đây chơi bị mất căn cước ạ.”

Cụ ông cũng không nghi ngờ gì chỉ cảm thán: “Nghe giọng là biết con không phải là người địa phương rồi, sao mùng bốn tết lại đến đây chơi một mình thế?”

Không để ý thấy Diệp Dạng đang do dự, ông cụ tiếp tục lải nhải: “Làm lại căn cước công dân rất dễ, nếu giờ làm ngay thì chưa đến một tuần sau đã có. Sao con không gọi điện cho người trong nhà bảo họ đến đón con?”

“… Trong nhà không có người lớn, chỉ có hai người già nên không đến được ạ.” Sau khi lời nói dối đầu tiên được thốt lên thì những thứ khác đều trở lên hợp lý.

“Nhóc con cũng thật không dễ dàng gì…” Ông bảo vệ nói thầm một câu.

Ngay từ lúc Diệp Dạng đến đây ông cụ đã thấy cậu thiếu niên này một mực nghe điện thoại rồi sau đó lại đi ra từ khách sạn đối diện, ông cụ thở dài cảm thấy cậu thiếu niên này cũng chẳng dễ dàng gì.

“Không có căn cước thì đêm nay ở đâu, khách sạn chắc cũng chẳng vào được, nếu thật sự không còn cách nào khác hay là con tạm ở lại phòng bảo vệ một đêm? Chí ít thì trong đó khá ấm áp.”

Do dự một lúc lâu Diệp Dạng cũng đi theo ông cụ vào phòng bảo vệ. Cơ thể Diệp Dạng được hơi ấm bao bọc, xua tan hết mọi giá lạnh.

“Mệt rồi đúng không?” Cụ ông nhìn sắc mặt của Diệp Dạng rồi đưa cho cậu một chiếc áo khoác dày: “Con có thể ghé vào cái bàn này mà ngủ, điều kiện ở nơi đây không tốt lắm nhưng được cái là ấm áp, mau nghỉ ngơi đi.”

Diệp Dạng ngồi xuống theo ý của ông cụ, chiếc áo khoác rộng bao bọc lấy toàn bộ cơ thể cậu. Diệp Dạng nói lời cảm ơn với cụ ông có hơi ngượng miệng vì cậu không biết nên cảm ơn lòng tốt của người lạ như thế nào.

Từ khi Diệp Dạng sinh ra cho đến hiện tại đã mười bảy năm trời, những thiện ý cùng sự ấm áp cậu từng được cảm nhận cũng không nhiều.

Ông cụ bật một chiếc radio kiểu cũ, trong đó đang phát một vở kinh kịch, cụ ông cũng ngân nga vài câu theo lời hí.

Dường như sợ làm phiền đến Diệp Dạng đang nghỉ ngơi, giọng hát phát ra rất nhẹ, giai điệu du dương của vở kinh kịch cho người ta một loại cảm giác vừa nặng nề vừa nhẹ nhàng, đối với Diệp Dạng lúc này thì đây như một bài hát ru vậy.

Có lẽ do quá mệt mỏi, căng thẳng cả ngày trời hay có thể nói là căng thẳng mười mấy năm trời cuối cùng đến giờ phút này đã có thể thả lỏng, cũng có thể là do nơi này quá mức ấm áp, Diệp Dạng chìm vào giấc ngủ say.

Cậu tự nhủ với bản thân: “Sẽ không tệ hơn bây giờ đâu, ngủ đi…”

Diệp Dạng nhìn thấy một đứa bé trai khoảng bảy tám tuổi, nó đang ngồi xổm ở bờ sông, từng cơn gió lạnh thổi đến, dưới bàn tay nó là lớp quần áo của bản thân. Nó xoa đi xoa lại đôi găng tay đang đeo nhưng đôi găng tay mỏng manh ấy không thể nào ngăn được làn nước lạnh băng, nó đang run rẩy, cả cơ thể đều đang run rẩy.

Bốn phía im phăng phắc, nó thật sự rất sợ hãi, sợ sau lưng đột nhiên xuất hiện một con quái vật thò ra đôi bàn tay đẩy nó ngã xuống nước.

Mắt thường có thể thấy mặt nước trước mắt xuất hiện một làn sương mù, nó ngồi xổm ở đó như thể bị làn sương mù đó mê hoặc… Đột nhiên, dưới nước xuất hiện một con quái vật kéo nó vào trong dòng nước.

Diệp Dạng đột nhiên ý thức được bản thân biến thành đứa bé trai kia, cậu cố hết sức kêu cứu rồi hoảng sợ phát hiện tiếng kêu của mình vỡ vụn trong không khí, không phát ra được bất kỳ thanh âm nào.

Cậu không biết tai mình có vấn đề hay là giọng nói của mình có vấn đề nữa, không một ai nghe được tiếng kêu của cậu.

Không có ai đến, không có ai đến để cứu cậu.

Cơ thể cậu dần chìm vào trong nước, nước xộc vào mũi, tràn vào cổ họng cậu như thể cậu sắp nổ tung… Hai tay cậu liều mạng vùng vẫy trong nước nhưng lại chẳng thể nắm được bất kỳ thứ gì.

“Này con?” Diệp Dạng cảm thấy có người đang gọi mình, giọng nói đó có chút quen thuộc, cậu muốn mở to mắt nhưng lại không thể.

Đột nhiên một bàn tay vỗ lên vai cậu, Diệp Dạng giật mình tỉnh dậy, cậu vô ý làm rơi khăn giấy trên bàn rồi lại nghe thấy phía sau truyền đến giọng nói quan tâm hỏi han: “Làm sao vậy, có phải gặp ác mộng không con?”

Diệp Dạng quay đầu lại, nhìn thấy vẻ mặt quan tâm của cụ ông, cậu nhìn quanh bốn phía thấy bản thân đang ngồi trong phòng bảo vệ, xung quanh không có nước cũng chẳng có quái vật.

Nhưng cảm giác hít thở không thông khi chết đuối lại quá đỗi chân thực khiến cho Diệp Dạng trong nhất thời không thể phân biệt được cái nào là hiện thực cái nào là giấc mơ.

“Con không sao ạ, con nằm mơ…”

Buổi sáng mùa đông sương mù dày đặc, ngoài cửa sổ còn đọng lại hơi nước, trời vừa hửng sáng nên mặt trời vẫn chưa mọc. Bên ngoài hành lang của khu dân cư có rất ít người qua lại,

 nhìn rất trống trải và vắng vẻ.

Trong khoảng vài chục cây số xung quanh đây chỉ có phòng bảo vệ này được thắp sáng bởi ánh đèn vàng ấm áp như thể dẫn lối cho những người đi lạc tìm về nhà.

Diệp Dạng ngẩn người nhìn ra bên ngoài, cậu không có gia đình. Trước đây không có sau này cũng sẽ không có… Nhưng cậu không hối hận, ít nhất vào giờ phút này trong lòng cậu chưa từng hối hận.

“Nào nào, dậy ăn chút gì đó đi, cái này là vợ ông mang đến đó. Có con ở đây nên ông đã bảo bà ấy cầm thêm một phần đến.”

Diệp Dạng nhận lấy hộp cháo từ trong tay ông cụ, đây là cháo trắng bởi nó có màu trắng đục của gạo. Bên trong có bỏ thêm một ít củ mài và thịt băm tỏa ra mùi hương rất thơm, nhìn là biết người nấu đã bỏ rất nhiều công sức vào nó.

Diệp Dạng nhỏ giọng nói cảm ơn rồi ngồi dậy uống từng chút một. Thật sự cậu rất đói, cả ngày hôm qua không có lấy một hạt cơm nào vào bụng, dạ dày cậu đã sớm kháng nghị. Bởi vì không cẩn thận mà cậu còn bị bỏng một chút.

Ông cụ cười ha ha: “Con uống từ từ thôi, không cần gấp.”

Trên mặt Diệp Dạng hiện lên một vệt ửng hồng như thể bị nhiệt độ của cháo hun nóng lại tựa như đang thẹn thùng.

Ông cụ cười đến híp cả đôi mắt, ông nhìn cậu hỏi: “Có ngon không con? Vợ ông tuổi đã cao, chúng ta kết hôn được vài chục năm rồi, mỗi buổi sáng bà ấy đều kiên trì dậy sớm để nấu cháo cho ông uống nói là để dưỡng sinh.”

Diệp Dạng không cắt ngang, chỉ lẳng lặng nghe ông cụ cảm khái về cuộc đời: “Năm này qua năm nọ, ngày qua ngày, chúng ta quen nhau từ năm hai mươi tuổi đến hiện tại ông năm mươi sáu tuổi, bà ấy đã nấu cháo cho ông suốt ba mươi sáu năm trời.”

Diệp Dạng cúi đầu: “… Ngon lắm ạ.”

Chỉ cần là cháo do người yêu thương mình nấu, cho dù như thế nào đều rất ngon.

“Trước kia lúc nào cũng muốn kiếm tiền kiếm tiền, hiện tại chỉ hy vọng vợ của ông bà ấy có thể khỏe mạnh để sống với ông đến trăm năm tuổi, đầu bạc răng long! Tình yêu của thế hệ bọn ông đâu có ngoằn ngoèo giống với thế hệ trẻ bây giờ? Khi bọn ông đã nhận định một người và ở bên nhau thì đó sẽ là cả đời, không giống với thời nay, động cái là chia tay, cãi nhau, ly hôn. Vì một chút chuyện nhỏ nhặt đã cãi nhau ầm ĩ như thể chịu ấm ức gì lớn bằng trời.”

Cụ ông tỉnh lại từ trong hồi ức: “Con bao lớn rồi? Tên là gì? Đã có bạn gái chưa?”

“Con hai mươi tuổi, tên là Diệp Dạng, chưa có bạn gái ạ.” Diệp Dạng lại nói dối, cậu không nói ra tuổi thật của bản thân.

“Hai mươi tuổi? Nhìn không giống lắm nhưng mà con trai phát triển muộn là điều bình thường, nhìn dáng người của con chắc chắn là kén ăn giống đứa con của ông, nếu kén ăn thì sẽ không cân đối được lượng dinh dưỡng, cẩn thận về sau con không cao được nữa đâu.”

Cụ ông gân cổ lên hù dọa Diệp Dạng. Công bằng mà nói, Diệp Dạng tuy không cao nhưng cũng không tính là quá lùn, ít nhất cũng phải cao một mét bảy mươi lăm. Chỉ là dáng người của cậu thiếu niên chưa nảy nở ra, xương cốt còn chưa phát triển hoàn thiện nên nom rất gầy yếu mỏng manh.

“Ôi chao càng lớn tuổi càng thích cằn nhằn, con đừng chê ông già này phiền phức nhé, nhìn con ông lại nhớ đến đứa con ngỗ nghịch kia, giá như nó ngoan ngoãn bằng nửa con thì đã tốt!”

Cụ ông thở dài tiếp tục nói: “Ranh con kia cũng vào tuổi hai mươi như con, nó yêu đương với một cô gái học cùng trường, còn chưa tốt nghiệp đại học đã không màng người nhà khuyên can mà nhất quyết đòi kết hôn. Kết hôn sinh con xong, ngày nào cũng cãi nhau đòi ly hôn, hiện tại hơn ba mươi tuổi vẫn độc thân, con nhỏ thì ở với mẹ, ông cũng không biết nên làm thế nào với thằng ranh con đó nữa!”

“… Sau này người chịu khổ vẫn là đứa bé kia.” Vẻ mặtvDiệp Dạng bình thường, không thấy một chút khác thường nào.

Cụ ông hơi sửng sốt: “Cũng không hẳn, cháu trai của ông rất ngoan, hiện tại mẹ nó quản lý nó rất chặt, không cho ông với nó gặp mặt… Đôi khi ông nghĩ cháu trai vẫn luôn xuất hiện trong giấc mơ của ông.”

Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình bất hạnh đều phải trưởng thành sớm.

Diệp Dạng nhớ tới trước kia có người đã nói với cậu, Diệp Dạng trước đó cũng có ông, chỉ là ông đã qua đời từ sớm và rời nhân thế vào lúc cậu lên bốn. Những người đó đều nói, nếu ông của cậu còn khỏe mạnh thì nhất định sẽ yêu thương cậu như sinh mệnh của mình.

Mấy lời như vậy ban đầu nghe còn có chút cảm động, nhưng khi càng lớn cậu lại càng khó dao động, nếu thì có lợi ích gì đâu? Không tồn tại từ nếu.

Trên thế gian này, không có ai yêu thương cậu như sinh mệnh của mình cả.

Cụ ông đứng dậy lấy bánh quy đưa cho Diệp Dạng ăn nhưng sơ ý đụng phải tay Diệp Dạng, cậu đau đến mức “A” lên một tiếng, cụ ông giật mình vội vàng nói, “Cho ông xem nào, chắc chắn là rất đau!”

Diệp Dạng rụt tay lại nói không có việc gì, trên tay cậu vẫn còn đeo găng tay, cụ ông không yên tâm, nhất quyết muốn cậu tháo găng tay xuống để ông xem, Diệp Dạng không nhịn được đành phải cẩn thận mà tháo găng tay ra, cụ ông phát hiện tay thiếu niên không có một chỗ nào lành lặn. 

Nhiều chỗ trên mu bàn tay nát tươm, chảy xuống những giọt nước sền sệt, bởi vì mang găng tay quá lâu mà rất nhiều da thịt đã dính vào đó, tháo găng tay ra vô cùng khó khăn.

Diệp Dạng chỉ nhíu mày một chút còn cụ ông thì lại đau lòng gần chết: “Sao tay của con lại như thế này? Có đau không, ông đi mua thuốc cho con! Ôi không được, hiệu thuốc còn chưa mở cửa, phải làm sao bây giờ?”

Ông cụ gấp đến độ xoay vòng vòng, đáy mắt Diệp Dạng hiện lên một chút ấm áp, cậu an ủi ngược lại ông cụ: “Không sao đâu ạ, con chỉ bị nẻ thôi, qua mùa đông sẽ tốt hơn rồi.”

Cách nói của Diệp Dạng hiển nhiên là tập mãi thành quen, cụ ông lại không cảm thấy như vậy, ông gọi điện cho người đổi ca với mình: “Ông Tô, tôi là ông Lý đây, lúc ông tới đổi ca với tôi thì mang cho tôi một ít thuốc trị nẻ nhé, ôi không phải tôi, là một cậu bé, được rồi, cảm ơn.”

Diệp Dạng lúc này mới biết cụ ông họ Lý, người ta hay gọi ông là ông Lý. Cậu sững sờ ngồi đó, lần đầu tiên trong cuộc đời có người quan tâm đến bệnh nẻ tay của bản thân lại là một người xa lạ.

Diệp Dạng cười thầm, cảm thấy có chút châm chọc.

Cậu vừa định đứng lên lại phát hiện chân mình đã tê rần, có lẽ là do ngồi quá lâu nên đau nhức hết cả người. Cậu trịnh trọng nói với ông Lý: “Ông Lý, cảm ơn ông ạ.”

“Khách sáo cái gì, con nhỏ tuổi như vậy còn chẳng lớn bằng thằng ranh nhà ông, quan tâm chăm sóc là điều nên làm.”

Ông Lý là một người địa phương chính gốc, hai mươi tuổi kết hôn, vài năm sau thì có một đứa con trai. Từ khi con trai chào đời không biết bao nhiêu lần ông nổi nóng với nó, nó không bao giờ nghe lời ông, cũng không chịu học hành cho tử tế còn yêu sớm. Chuyên ngành đại học cũng bất đồng ý kiến với ông, chưa tốt nghiệp đại học đã kết hôn, kết hôn rồi lại ly hôn.

Không biết bao nhiêu lần ông Lý phải hao tâm tổn trí vì nó, may là điều kiện gia đình ông tuy không phải đại phú đại quý nhưng cũng coi như là khá giả, sau khi về hưu thì chọn một công việc thanh thản nhàn nhã là làm bảo vệ cho khu dân cư mình đang sống.

Nhưng việc không được thấy cháu trai như trước cũng là một tiếc nuối rất lớn trong lòng ông, cho nên khi nhìn thấy một cậu nhóc đáng thương lại rất ngoan ngoãn thì ngay lập tức tình yêu thương của ông Lý với tư cách là một trưởng bối được khơi dậy.


Mục Lục

Chương 1

Chương 3

Bình luận về bài viết này